Khe Hó được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia

Khe Hó được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia

Ngày 1/11/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận Khe Hó (thuộc địa phận xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là nơi đã gắn liền với những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của quân và dân ta và là điểm xuất phát của đường 559 – đường Trường Sơn huyền thoại (đường mòn Hồ Chí Minh).

Khe Ho duoc xep hang Di tich lich su cap quoc gia (1)

Trong những năm 1956 – 1958, người dân bản Khe Hó đã cùng với các lực lượng công an, bộ đội, giao liên mở một con đường mòn để nối liên lạc giữa miền Bắc với vùng chiến khu Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, rồi từ đó chuyển công văn, báo cáo, chỉ thị vào – ra các chiến trường khác. Từ Khe Hó, con đường được tiếp tục mở rộng theo hướng tây nam, qua sông Bến Hải, đỉnh Voi Mẹp (xã Hướng Hiệp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), vượt đường 9 sang Rào Quán (xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) rồi đến Pa Lin (tỉnh Thừa Thiên-Huế)… Ngày 13/8/1959, xuất phát từ Khe Hó, Tiểu đoàn vận tải 301 thuộc “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” đã vận chuyển an toàn chuyến hàng đầu tiên gồm: 20 khẩu tiểu liên Tuyn, 20 khẩu súng trường Mát, 10 thùng đạn tiểu liên và súng trường tới Tà Riệp (thuộc địa phận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ngày 12/9/1959, Bộ Quốc phòng đã thành lập Đoàn 559 thay cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”, có nhiệm vụ xây dựng tuyến đường vận tải chiến lược cho chiến trường miền Nam. Khe Hó đã được chọn làm điểm khởi đầu cho tuyến đường lịch sử này. Sau khi khảo sát, cắm mốc, xoi đường vào đến Tà Riệp – Pa Lin, Đoàn 559 đã bí mật tiến hành mở các cung đường, thành lập các trạm kiểm soát, bảo vệ. Qua 16 năm hoạt động (1959-1975), từ chỗ chỉ có vài trăm người, Đoàn 559 đã trở thành một binh chủng lớn mạnh với hàng vạn người, hàng nghìn ô tô các loại, được tổ chức thành nhiều sư đoàn, trung đoàn, binh trạm, trạm… làm nhiệm vụ xây dựng tuyến đường vận chuyển chiến lược mang tên đường Hồ Chí Minh để nối liền các chiến trường thành một mạng lưới đường bộ, đường ống, đường sông tương đối hoàn chỉnh với tổng chiều dài gần 20.000km.

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khe Hó là Di tích lịch sử cấp quốc gia đã thể hiện sự tri ân tới các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ an toàn cho căn cứ Khe Hó; đồng thời giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước cũng như ghi nhớ những năm tháng gian khổ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của thế hệ cha ông.

Phạm Phương (TTTTDL)