Lên Tả Phìn Ngắm Thổ Cẩm, Tắm Lá Thuôc

Đi từ thị trấn Sapa tỉnh Lào Cai về phía đông bắc 12km, bạn sẽ đến với xã Tả Phìn – đây là một trong những tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh Lào Cai. Thiên nhiên hoang sơ, kỳ vỹ không phải là điều duy nhất hấp dẫn bước chân của du khách đến với Tả Phìn mà nền văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Những người phụ nữ ngồi quây quần bên nhau cùng thêu thùa, trò chuyện trên sân nhà, lề đường hay góc chợ có lẽ đã là một hình ảnh vô cùng quen thuộc với du khách khi đến với Tả Phìn vào bất cứ thời gian nào trong năm. Qua bàn tay của khéo léo của những người phụ nữ sợi bông, sợi lanh, lá trầu, củ nghệ, củ nâu, củ chàm đã biến thành những tấm vải sặc sỡ với những hoa văn tinh tế mang đậm bản sắc dân tộc. Và từ những tấm vải ấy lại hình thành nên những món đồ hấp dẫn, những sản phẩm độc đáo như: váy, áo, khăn, túi khoác du lịch, ví, tranh,…

Từ khi còn nhỏ, những bé gái ở Tả Phìn đã được các bà các mẹ truyền dạy cho các cầm kim, xoắn chỉ; dạy cho các bé cách chọn sợi, pha màu cho đến việc trồng lanh lấy sợi. Không chỉ dạy về những công việc dệ vải, may vá, các bà các mẹ còn chỉ dạy cho các bé gái nguồn gốc giải thích ý nghĩa của từng hoa văn mà họ đang thêu lên mỗi ngày, của những họa tiết trang trí bắt nguồn từ những truyền thuyết hào hùng xa xưa. Để được một tấm vải thổ cẩm đẹp, người phụ nữ Tả Phìn phải vất vả với nhiều công đoạn từ trồng lanh lấy sợi, cho tới việc làm trắng, làm mền những tấm vải thành phẩm; nhưng có lẽ công đoạn tỉ mỉ tinh tế nhất là việc thêu hoa văn lên vải.

Những bộ váy xòe rực rỡ của những thiếu nữ H'mong

Vì được làm thủ công nên mỗi tấm thổ cẩm đều mang dấu ấn cá nhân rõ rang, thể hiện nên sự tinh tế của thêu. Chỉ là những họa tiết đơn giản như xoắn ốc, hoa bĩ, cỏ cây, hoa lá, chim muông,… nhưng tất cả dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ nó đã trở nên sống động và độc đáo hơn bao giờ hết. Và sự khéo léo trong may vá thêu thùa còn là một hành trang vào đời của các cô gái cũng như là tiêu chí chọn vợ của các chàng trai. Thổ cẩm không chỉ để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày mà còn là kỷ vật của tình yêu, là của hồi môn trong ngày cưới của những nàng sơn thôn thiếu nữ.
Nếu một ngày đã mệt mỏi với việc khám phá những nét văn hóa truyền thống của những người dân Tả Phìn thì cuối ngày là thời gian thích hợp để bạn nghỉ ngơi và tắm thuốc lá là một lựa chọn tuyệt vời nhất. Đây là một dịch vụ được những người Dao đỏ gửi đến du khách thăm quan. Tùy vào mục đích sử dụng mà người Dao đỏ sử dụng nhiều hay ít loại lá thuốc cho một lần, thông thường số lượng lá thuốc dao động từ 10 đến hơn 100 loại khác nhau. Những cây thuốc tươi hoặc được phơi khô chặt nhỏ cho vào nồi đun sôi, sau đó đổ vào thùng và cho lượng nước lạnh vừa phải đủ tắm. Ngâm mình trong làn nước nóng với hương thơm từ lá thuốc sẽ tạo cho bạn cảm giác vô cùng sảng khoái và dễ chịu.

Tắm hoặc ngâm chân lá thuốc trong một thời gian dài có tác dụng chữa trị các bệnh phong thấp, đau nhức xương khớp, mỏi cơ, thần kinh tọa, cảm hàn, cảm cúm, dạ dày, các bệnh ngoài da, ho, đau lưng, đau gan… Đặc biệt, phụ nữ tắm lá thuốc da dẻ sẽ mịn màng, máu huyết lưu thông. Tắm lá thuốc của người Dao đỏ không chỉ đơn thuần là một phương pháp chăm sóc sức khoẻ mà còn là một yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc. Hiện ở Tả Phìn có nhiều hộ gia đình người Dao đỏ mở dịch vụ tắm lá thuốc phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, Tả Phìn còn có Công ty cổ phần Các sản phẩm bản địa bao gồm hơn 40 hộ gia đình trong xã, chuyên sản xuất các loại thuốc tắm của người Dao để bán ra thị trường.

Công đoạn cuối cùng là pha nước vừa đủ ấm để có thể ngâm mình thư giãn

Đến với Tả Phìn để ngắm cảnh sắc thiên nhiên, khám phá cuộc sống, văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây là một trải nghiệm thật khó quên. Nhưng nó sẽ trọn vẹn và đầy đủ hơn nếu bạn thưởng thức,mua về cho mình những tấm thổ cẩm độc đáo, những sản phẩm thổ cẩm tiện dụng hay ngâm mình trong những bồn nước lá thuốc dễ chịu sảng khoái.

Leave a Reply