Quảng Ninh: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá

Quảng Ninh: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá

Du lịch Quảng Ninh đã có sự tăng trưởng khá mạnh mẽ trong những năm qua. Và một điều thật đáng nói là đóng góp vào sự tăng trưởng đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch. Chính văn hóa đã góp phần làm nên bản sắc riêng của nhiều loại hình du lịch hấp dẫn và ý nghĩa…

phat trien du lich gan vơi bao ton, phat huy cac gia tri van hoa

Quảng Ninh vốn là một tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, lợi thế về văn hóa của Quảng Ninh cũng được thể hiện khá rõ nét. Là một tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có một bản sắc riêng, điều đó đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa cho Quảng Ninh. Những di tích khảo cổ cho thấy dấu vết về sự có mặt con người trên mảnh đất này từ thời cổ đại đã tạo ra một không gian văn hóa với hàng trăm di sản văn hóa. Trong đó, có những di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử có giá trị quan trọng.

Các di sản văn hóa của Quảng Ninh trải dài suốt từ Đông Triều đến Móng Cái, cho đến các đảo xa đất liền như: Cô Tô, Quan Lạn – Minh Châu, Ngọc Vừng… Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh tự hào đang lưu giữ trong mình 625 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng. Trong đó có vịnh Hạ Long 2 lần được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, 60 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 47 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh… Cùng với đó là khoảng trên dưới 70 lễ hội được tổ chức hàng năm, tập trung chủ yếu ở loại hình lễ hội dân gian truyền thống, thời gian tổ chức tập trung từ tháng 1-3 âm lịch. Hơn thế nữa, Quảng Ninh có 4 khu di tích trọng điểm là Khu di tích danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí), Khu di tích lăng mộ các vua Trần (huyện Đông Triều), Khu di tích Bãi Cọc Bạch Đằng (huyện Yên Hưng), Khu di tích Vân Đồn (huyện Vân Đồn). Ngoài ra, còn có nhiều di tích tiêu biểu khác, như: Đền Cửa Ông, đình Trà Cổ, đình Quan Lạn, chùa Cái Bầu – Thiền Viện Trúc lâm Giác tâm, chùa Long Tiên… Đây là những điểm thu hút khách thập phương với các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, nhất là vào các dịp lễ hội, giúp cho du khách có cơ hội tìm hiểu thêm những nét đẹp văn hóa tiêu biểu của con người và vùng đất Quảng Ninh. Gắn liền với di sản văn hóa vật thể, Quảng Ninh còn có các di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú và mang nét đặc trưng của mỗi vùng đất, như: lễ hội đền Cửa Ông (ở Cẩm Phả), Lễ hội Yên Tử (ở Uông Bí), Lễ hội Tiên Công (ở Yên Hưng), Lễ hội đình Trà Cổ (ở Móng Cái), Lễ hội đình Quan Lạn (ở Vân Đôn) … Các phong tục, tập quán, những hình thái diễn xướng như: Hát giao duyên của ngư dân trên vịnh Hạ Long, hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, lễ cấp sắc của người Dao…

Rõ ràng với cái vốn lịch sử, văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng như vậy đã mở ra cho Quảng Ninh tiềm năng du lịch dồi dào. Và trong nhiều năm trở lại đây, cùng với tài nguyên du lịch, tài nguyên văn hóa đã góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch của Quảng Ninh phát triển. Hiện nay tỉnh Quảng Ninh đã và đang gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững nhằm phát triển du lịch đồng bộ gắn với việc xây dựng và phát triển văn hóa mang đậm bản sắc riêng của Quảng Ninh.

(Nguồn: Báo Quảng Ninh)