Xây dựng thương hiệu Du Lịch Việt Nam mang tầm Quốc tế

Xây dựng thương hiệu Du Lịch Việt Nam mang tầm Quốc tế

Vừa qua, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch; Cục Di sản văn hóa; Vụ Kế hoạch-Tài chính, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Bộ và Viện nghiên cứu phát triển du lịch.

Du-lịch-Việt-Nam (1)

Với mục tiêu phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 sẽ tập trung phát triển du lịch theo đặc trưng riêng 7 vùng, lấy đặc điểm tài nguyên du lịch để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng làm yếu tố cơ bản để tạo vùng. Trong đó phát triển du lịch theo 42 khu du lịch quốc gia, 36 điểm du lịch quốc gia, 10 đô thị du lịch và một số khu, điểm quan trọng khác nhằm tăng cường liên kết vùng, đảm bảo tính đa dạng và phát huy thế mạnh của từng vùng.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự cho rằng, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch nên tập trung vào các vùng trọng tâm, có đặc trưng riêng của từng vùng, có khả năng tạo thương hiệu cho du lịch Việt Nam. Đồng thời, bổ sung và đưa vào khai thác sản phẩm du lịch làng nghề, du lịch di sản phi vật thể (Quan họ Bắc Ninh)…

Cơ bản đồng ý với phương án đưa ra trong quy hoạch nhưng Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng đề nghị Ban Soạn thảo cần đánh giá hiện trạng và nguồn lực phát triển du lịch Việt Nam, so sánh bản Quy hoạch phát triển du lịch trước đây với bản Quy hoạch hiện tại, đánh giá các mặt đã làm được và chưa làm được để bổ sung hoàn chỉnh Quy hoạch. Đồng thời, trong 5 năm tới Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch nên ưu tiên phát triển nhân lực cho du lịch, đào tạo lực lượng lao động trẻ có kỹ năng về dịch vụ du lịch, qua đó nâng cao chất lượng và hình ảnh du lịch Việt Nam.

Đối với định hướng phát triển du lịch theo vùng, Bộ trưởng yêu cầu Quy hoạch tổng thể phải làm nổi bật tính đặc trưng của từng vùng, miền (Duyên hải nam Trung Bộ là du lịch biển đảo; Bắc Trung bộ là du lịch di sản; vùng trung du miền núi phía Bắc là du lịch về nguồn; đồng bằng sông Cửu Long là du lịch sinh thái…) trên cơ sở đó, xác định rõ hướng đầu tư phát triển.

Để đảm bảo quy trình xây dựng đề án, Bộ trưởng giao Tổng cục Du lịch làm việc với Viện nghiên cứu phát triển du lịch nghiên cứu, rà soát hoàn chỉnh đề án gửi các Bộ ngành liên quan góp ý, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(Nguồn: www.bvhttdl.gov.vn)