Câu chuyện bí ẩn về ngôi chùa biểu tượng của phố cổ Hội An

Cầm trên tay tờ polymer 20.000 VNĐ, bạn có biết trên tờ tiền đó in hình địa danh nào không? Đó là bức ảnh chụp ngôi chùa mang ý nghĩa văn hóa to lớn, là biểu tượng linh thiêng tại Hội An – chùa Cầu.
Lai Viễn Kiều hay Cầu Nhật Bản là tên gọi khác của cây cầu cổ nhất Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Chùa Cầu - Hội An

Chùa Cầu – Ngôi chùa biểu tượng của phố cổ Hội An

Theo tương truyền, cây cầu này được xây dựng bởi các thương nhân Nhật Bản vào khoảng thế kỷ 17. Năm 1653, cộng đồng người Hoa ở đây đã dựng thêm phần chùa ở trong để thờ Bắc Đế Trấn Vũ, từ đó mà người dân địa phương gọi là Chùa Cầu.
Cái tên Lai Viễn Kiều được đặt bởi chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm 1719 khi ông vào thăm Hội An, với ý nghĩa là “Cầu đón khách phương xa”.
Không ai biết chính xác thời gian ngôi chùa được xây dựng nhưng theo niên đại ghi lại trên xà nóc và văn bia thì cây cầu được dựng lại vào năm 1817 và tiếp tục được trùng tu qua nhiều năm sau đó. Chính vì thế mà yếu tố Nhật Bản ban đầu của cây cầu dần bị mài mòn, thay vào đó là lối kiến trúc pha trộn giữa Việt và Trung nhiều hơn.

Chùa Cầu - Hội An

Chùa Cầu – Hội An

Nhưng bạn có thắc mắc lí do vì sao người Nhật lại xây dựng lên cây cầu này không? Theo truyền thuyết kể lại, lai lịch ngôi chùa này gắn liền với con thủy quái Namazu của Nhật Bản. Người ta cho rằng con quái thú này có đầu nằm ở Ấn Độ, thân ở Việt Nam và đuôi ở Nhật Bản. Mỗi lần nó cựa mình khiến mặt đất rung chuyển gây ra thiên tai, động đất, sóng thần,… Những người Nhật luôn muốn chế ngự con quái vật Namazu này để có cuộc sống bình yên nên khi thấy sống lưng con quái thú xuất hiện trên sông Thu Bồn, họ đã tìm đến thầy phong thủy giỏi để tìm cách phong trấn nó.

Sau khi xem thế đất, thầy phong thủy đã phán phải dựng cây cầu trên sông tựa như thanh kiếm đâm xuống lưng con thủy quái, khiến nó không thể cựa mình được nữa thì người dân mới có thể yên tâm làm ăn. Chính vì lí do đó mà cây cầu đã được xây dựng.

Chùa Cầu - Hội An

Vẻ đẹp của Chùa Cầu – Hội An vào buổi tối

Sau những biến động năm 1633, các thương nhân Nhật Bản trở về nước. Ngôi chùa nhỏ sát bên cầu được người nhà Minh (Trung Quốc) sang xây dựng thêm để thờ Bắc Đế Trấn Vũ – vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui và hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm mong cầu mọi điều tốt đẹp.
Kiến trúc của cây cầu là một sự pha trộn kiến trúc giữa ba quốc gia: Nhật Bản – Việt Nam – Trung Quốc. Cây cầu dài khoảng 18m và có mái ngói âm dương bên trên, là một nét kiến trúc đặc trưng của người Việt. Ở giữa là lối qua lại kiểu cầu vòng, hai bên có hành lang hẹp để làm nơi nghỉ mát. Toàn bộ chùa và cầu đều được làm bằng gỗ sơn son, trạm trổ nhiều họa tiết tinh xảo, điển hình là rồng, trong đó vẫn có những họa tiết mang đôi chút phong cách Nhật Bản.

Thêm một nét văn hóa Nhật Bản ghi dấu trên cây cầu nữa là hai pho tượng chó và khỉ hai bên đầu cầu. Nhiều giả thuyết cho rằng đây là những linh vật của xứ Phù Tang từ thời xa xưa nhưng cũng có thuyết cho rằng hai biểu tượng đó là năm Thân và năm Tuất, biểu thị thời gian xây cầu.
Năm 1990, chùa Cầu được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia. Không chỉ có ý nghĩa về tâm linh, cầu còn có vai trò khá quan trọng về giao thông. Đến nay, ngôi chùa dường như đã trở thành tài sản vô giá, chính thức được chọn là biểu tượng của Hội An.