7 Đặc Sản Hà Giang Nên Thử Trong Chuyến “Săn” Hoa Tam Giác Mạch

Mùa thu đi du lịch Hà Giang, bạn không chỉ được thưởng thức những cảnh đẹp thiên nhiên rừng núi, ngắm những ruộng hoa tam giác mạch tươi thắm, trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo của các tộc người địa phương,… vậy thì hãy nạp năng lượng cho chuyến hành trình của mình bằng cách thưởng thức các món đặc sản dưới đây.

1. Bánh tam giác mạch

Tam giác mạch không chỉ mang lại cho đời những cánh hoa tươi sắc, mà còn mang lại cho con người những giá trị về vật chất. Từ loài cây đặc trưng này, những người đân địa phương đã chế biến chúng thành những món ăn dân dã có giá trị dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe như bánh tam giác mạch.

Bánh tam giác mạch

Sau mùa hoa, người ta thu hoạch hạt tam giác mạch về, phơi khô, xay thành bột mịn. Để làm bánh tam giác mạch, bột được nhào cùng nước cho đến dẻo, nhào xong cho vào khuôn, đúc thành những tấm bánh nhỏ rồi đem nướng trên bếp lửa. Bánh có độ dẻo như bánh gạo nếp, nhưng có thơm vị mạch và ngọt đậm đà.

Ngoài ra người ta còn sử dụng bôt tam giác mạch để nấu cháo, món ăn này sẽ giúp giữ ấm cho cơ thể trong những ngày giá rét.

2. Rượu tam giác mạch

Thực sự, Hà Giang đã được đất trời ưu ái cho loài cây vô cùng đặc biệt. Loài rượu được chiết xuất từ tam giác mạch quả thực sẽ khiến cho bạn muốn thưởng thức nó thêm nhiều lần nữa.

Rượi làm từ quả tam giác mạch

Người ta hái quả tam giác mạch đem, trộn cùng với ngô để ủ lên men tạo ra một hương vị khó nơi nào có được. Rượu tam giác mạch không cay như rượu gạo, không ngọt như những ché rượu cần, mà nó là sự tổng hòa của cái ngọt, cái nồng, là kết tinh của đất trời Tây Bắc.

Cái hay, cái thú vị của việc thưởng thức loại rượu này là uống là chắc chắn sẽ say, nhưng mà không say vật vã, mê mệt, mà là cái say để rồi muốn thưởng thức thêm nhiều lần nữa sau khi đã tỉnh dậy.

3. Thắng cố

Là một món ăn mang đậm đà bản sắc văn hóa vùng cao Tây Bắc, đặc biệt là của tộc người H’mông, thắng cố là món ăn được nhiều người tìm và thưởng thức khi tới với Hà Giang.

Thắng cố nghi ngút khói trong chợ phiên

Để làm được thắng cố trứ danh phải sử dụng nội tạng của bò hoặc ngựa, luôn luôn nóng bỏng khi được múc ra bát, vưa ăn và vừa thổi. Món thắng cố sử dụng tất cả các nguyên liệu. gia vị được lấy từ núi rừng, từ bàn tay chăm sóc, nuôi trồng của người dân nơi đây như ngựa, bò, thảo quả, hạt dổi, sả,… tất cả hòa quyện tạo nên cái vị béo ngậy, làm ấm cơ thể trong những ngày giá lạnh.

Để thưởng thức món ăn độc đáo này bạn có thể đến với các chợ phiên Đồng Văn, Mèo Vạc, Lũng Cú,…

4. Bánh cuốn trứng

Tại miền xuôi, món bánh cuốn đã quá quen thuộc với nhiều người dân, những một có một biến tấu khác của món ăn này đó là bánh cuốn trứng trên những rẻo cao Tây Bắc.

Bánh cuốn trứng

Bánh cuốn tráng trên bếp được thêm một quả trứng vào, rồi cuộn lại để tạo thành vỏ bọc cho lớp trứng bên trong. Bánh cuốn trứng được ăn kèm với một bát nước chấm nóng hổi có thêm giò . Vừa ngồi ăn, vừa thưởng thức tài nghệ làm bánh với đôi tay thoăn thoắt của người làm bánh quả thực là một trái nghiệm thú vị.

5. Cháo ấu tẩu

Ấu tẩu là một loại củ có chất độc cực mạnh, thường mọc trên đá vùng đối núi phía bắc.

Cũng được nấu từ những hạt gạo tinh túy của đất trời, tuy nhiên, cháo ấu tẩu đặc biệt ở chỗ nó được thêm vào một nguyên liệu là củ ấu tẩu. Tuy nhiên bạn đừng lo vì độc tính của loại củ này, vì nó đã được chế biến cẩn thận để loại bỏ độc tính. Củ ấu tẩu được ngâm kỹ trong nước vo gạo một đêm, và đem hầm trong vòng 4 giờ cho tới khi củ mềm tơi ra thành thứ bột sền sệt, lúc này củ ấu tẩu đã trở thành một món ăn vô cùng có lợi cho sức khỏe.

Cháo ấu tẩu bổ dưỡng cho sức khỏe

Bát cháo ấu tẩu thơm vị nếp cái hoa vàng, ngọt của chân giò hầm, béo ngậy của trứng, chua chua của măng rừng, vị đắng của ấu tẩu tất cả tạo nên một hương vị có một không hai. Cháo ấu tẩu có tác dụng trong nhiều bệnh về xương khớp và giảm mệt mỏi trong những ngày làm việc nặng nhọc.

6. Lợn cắp nách

Những phiên chợ Hà Giang không chỉ hấp dẫn du khách gần xa với những sản phẩm thổ cẩm hấp dẫn, những sản vật núi rừng,… mà nó còn giúp cho con người cảm nhận về những nét văn hóa, tập quán độc đáo của đồng bào Tây Bắc.

Lợn cắp nách

Trong số đó là hình ảnh những người, ôm lơn, chở lợn xuống chợ phiên để bán. Nó được gọi là lợn cắp nách là bởi, những chú lợn nhỏ được bỏ trong giỏ và cắp vào hông mang xuống chợ. Thịt lợn cắp nách được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như xiên nướng, luộc ngon nhất là món lòng dồi và thịt bụng vẫn còn nguyên xương sườn được hấp cách thủy. Hầu hết các nhà hàng tại Hà Giang đều phục vụ món ăn từ lợn cắp nách.

7. Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc cũng là một trong những món ăn truyền thống của đồng bào miền núi phía bắc Việt Nam. Món xôi bao gồm 5 màu: trắng, xanh, đỏ , tím, vàng là đại diện cho ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Màu trắng là màu tự nhiên của những hạt gạo nếp nương, còn các màu khác được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng chứ không sử dụng bất kỳ chất tạo màu hóa học nào.

Xôi ngũ sắc

Chỉ với 5000 đồng, bạn có thể được thưởng thức món sôi sặc sỡ, nóng hổi, nghi ngút khói này tại các chợ phiên của Hà Giang.

Leave a Reply