Khám Phá Nepal “Miền Đất Phật”

Vị trí địa lý
Tên chính thức theo Hiến pháp tạm thời của nước này là Nhà nước Nepal (trước kia là Vương quốc Nepal) là một quốc gia nằm kín trong lục địa tại vùng Himalaya ở Nam Á và có phần chồng gối với Đông Á, giáp biên giới với Tây Tạng của Trung Quốc ở phía Bắc, giáp với Ân Độ ở phía Nam, Đông và Tây. Chỉ trong một diện tích lãnh thổ nhỏ (147.181km2) nhưng nó lại có một sự đa dạng địa hình đáng kinh ngạc – Nepal có tám đỉnh trong số mười đỉnh núi cao nhất thê giới- Kathmandu là thủ đô và thành phố lớn nhất nước.

Kathmandu Patan, Nepal.

Thủ đô Kathmandu còn là thành phố lớn nhất Nepal.

Nepal gần giống hình thang với chiều dài 800km, rộng 200km. Nepal thường được chia thành ba vùng địa văn học: vùng núi, đồi,vùng Terai. Những dải sinh thái học này chạy dọc theo chiêu Đông Tây và bị chia cắt bởi những hệ thống sông chính của Nepal.
Nepal có 5 vùng khí hậu, chủ yếu tuỳ theo độ cao. Các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới ở dưới độ cao l200m, vùng ôn hoà ở độ cao từ 1200 đến 2400m, vùng lạnh ở độ cao từ 2400 đến 3600m, vùng cực cận từ 3600m đến 4400m và vùng cực trên 4400. Nepal có 5 mùa: mùa hè, gió mùa, mùa thu, mùa đông và mùa xuân. Dãy Himalaya ngã gió từ Trung Á trong mùa đông và hình thành nên biên giới phía Bắc của vùng gió mùa.

Đặc điểm dân cư
Theo điều tra dân số tới tháng 7 năm 2007, Nepal có 28.901.790 người đứng thứ 40 trên thế giới, với mật độ dân số 196 người/km2. Nepal là quốc gia duy nhất trên thế giới tuổi thọ của nam cao hơn tuổi thọ của nữ (nam là 60,5 tuổi, nữ là 59,5 tuổi). Tổng tỷ lệ biết chữ là 53,74%.
Theo cuộc diều tra dân số năm 2001, tín đồ Hindu chiếm 75,6% dân số, tín đồ Phật giáo chiếm 20%, Hồi giáo 4,2%, các tôn giáo khác 0,9%. Nhóm sắc tộc lớn nhất là người Chhettri (15,5%). Các nhóm khác gồm Brahman-Hill 12,5%, Magar 7%, Tharu 6,6%, Tamang 5,5%…
Tiếng Nepal là ngôn ngữ chính thức với 47,8% dân số sử như tiếng mẹ đẻ. Các ngôn ngữ khác gồm Maithili 12,1%, Bhojpuri 7,4%, Tharu 5,8%…
Vùng núi phía Bắc có dân cư thưa thớt. Đa số dân sống tập trung tại vùng cao nguyên trung tâm dù có một quá trình di cư dân khá mạnh tới vùng vành đai Terrai màu mỡ trong những năm gần đây. Thủ đô Kathmandu là nơi có số dân tập trung đông nhất với khoảng 2 triệu người.

Kinh tế và văn hoá
Về kinh tế: Nền kinh tế của Nepal chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đây là ngành nghề kiếm sống của 76% dân số và chiếm khoảng 39% tổng sản phẩm quốc nội; dịch vụ chiếm 41% và công nghiệp 22%. Do đặc điểm địa hình có nhiều đồi núi nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngành hàng không ở đây phát triển khá cao.
Nepal phải nhận viện trợ kinh tế của nhiều nước trên thế giới, như: Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thuỵ Sĩ… Hiện nay tỉ lệ lạm phát ở Nepal đã giảm xuống còn 2,9%. Nepal có mức thu nhập trung bình tương đương nhiều nước phát triển và đang phát triển khác (1500 USD/người). Nước này hiện đang gặp vấn đề khó khăn về nguồn lao động, thiếu lao động để phát triển kinh tế trong khi gần mọt nửa số dân trong độ tuổi lao động lại không có việc làm. Là một nước có tiềm năng du lịch rất lớn nhưng du lịch Nepal lại chưa phát triển do tình hình chính trị bất ổn, hiện nay tinh trạng này đã được cải thiện đáng kể.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nepal là thảm, quần áo, đồ da, sản phẩm đay và ngũ cốc. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là vàng, máy móc và thiết bị, các sản phẩm dầu mỏ và phân bón.

Phụ nữ Nepal trọng điệu múa truyền thống của dân tộc mình

Phụ nữ Nepal trọng điệu múa truyền thống của dân tộc mình

Về văn hoá: Văn hoá Nepal tương đồng với những nền văn hoá lân cận là Tây Tạng và Ân Độ về trang phục, ngôn ngữ và thực phẩm. Một bữa ăn thường ngày gồm gạo, rau và các gia vị; bữa ăn có thịt, trứng, cá được coi là bữa tiệc.
Văn học dân gian truyền thống của Nepal còn có ảnh hưởng mạnh trong xã hội và các câu chuyện của nó được thể kiện nhiều trong nhảy múa và âm nhạc. Văn hoá của các nhóm sắc tộc khác nhau phong phú theo cách riêng biệt. Văn hoá Newari là văn hoá truyền thống và có bản sắc riêng nhất của Kathmandu. Đa số các lễ hội trong nước xuất phát từ văn hoá Newari.
Âm nhạc chủ yếu dựa trên bộ gõ, thỉnh thoảng có sử dụng sáo hay kèn cổ. Các phong cách âm nhạc dân gian gồm nhiều loại: nhạc pop, tôn giáo và dân gian.
Năm mới của Nepal bắt đầu vào giữa tháng 4 và được chia thành mười hai tháng. Thứ 7 là ngày nghỉ chính thức trong tuần. Các ngày lễ chính gồm Quốc Khánh (28/12), Prithvi Jayanti (11/1) và Ngày Liệt sĩ (18/2) cùng nhiều lễ hội Hindu và Phật giáo như Teej, Dashai vào mùa thu, Tihar vào cuối thu.
Đa số các ngôi nhà ở vùng nông thôn Nepal được làm bằng khung tre với vách bằng bùn trộn phân bò. Những ngôi nhà đó mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Những ngôi nhà ở trên cao được làm bằng gỗ.

Cảnh quan du lịch
Nepal vốn nổi tiếng về du lịch, dã ngoại, đi bộ đường dài, cắm trại, xe đạp đổ đèo, các vườn quốc gia, những khu rừng, đồng cỏ, đi bè trên sông, câu cá thể thao và nhiều chùa chiền cũng như những địa điểm thờ cúng đẹp đẽ và linh thiêng.
Nepal có tới 8 ngọn núi trong tổng số 10 ngọn núi cao nhất thế giới, có độ cao trên 8000m. Đó là Everest – 8848m Kangchenjunga- 8598m, Lhotse I- 8501m, Makalu I- 8470m Lhotse II- 8440m, Dhaulagiri- 8172m, Cho Oyu- 8156m và Annapurna I- 8078m. Nepal có tới 35 sân bay, rất tiện lợi để bay đến mọi địa phương trong cả nước.

Everest có độ cao 8848m, là đỉnh núi cao nhất thế giới.

Everest có độ cao 8848m, là đỉnh núi cao nhất thế giới.

Bên cạnh việc đến du lịch Nepal để chiêm ngưỡng các ngọn núi cao còn có rất nhiều khách đi du lịch Nepal để thăm viếng các vườn Quốc gia rất lớn và được bảo vệ rất tốt ở nước này, trong đó có vườn Quốc gia Chitwan rộng 932km2 đã được UNESCO công nhận là Di sản quốc tế. Ngoài ra còn có các vườn Quốc gia Everest, Bardiya, Khaptad, Langtang, Kakalu-Barun, Rana, Shey-Phoksundo, Shivapuri. Bên cạnh đó còn có 6 khu bảo tồn rộng lớn khác. Du khách vào vườn Quốc gia Chitwan đều ngồi trên voi và không chuyến nào không gặp các thú hoang dã.

Ngoài ra ở đây còn có nhiều đền chùa lộng lẫy và lúc nào cũng đông nghịt người đến để cầu nguyện và khách du lịch đến để chiêm ngưỡng. Có cả ngôi chùa vàng – chùa làm bằng vàng thật nên luôn luôn có cảnh sát quản lý nghiêm ngặt. Có nhiều Bảo tàng quốc gia rất hiện đại.
Đất nước với thiên nhiên kỳ thú, một nền văn hoá đa sắc màu và lâu đời, một nhân dân hữu nghị và hiếu khách, Nepal thực sự là điểm đến rất hấp dẫn đối với du khách.

Bạn có thể xem thông tin thêm về du lịch Nepaldu lịch Trung Quốc tại đây.

Leave a Reply