Danh Thắng Hương Sơn – Bầu Trời Cảnh Bụt

Nằm ven bờ sông Đáy, trên dãy núi đá vôi nhấp nhô, quần thể danh thắng Hương Sơn gồm núi non, sông suối, làng mạc, chùa chiền, hang động… nằm thấp thoáng xen giữa những dòng suối chảy men chân núi, những cánh đồng màu mỡ rộng mở. Khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp quyến rũ như chốn bồng lai. Hiện nay, danh thắng Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Tương truyền, thời Lê Thánh Tông (1460 -1497), ba vị hoà thượng đã tìm ra động Hương Tích, dựng thảo am Thiên Trù để tu hành. Sau đó, vào nửa cuối thế kỷ XVII, hoà thượng Trần Đạo Viên chấn hưng cõi Phật Hương Sơn. Từ đây, Hương Sơn trở thành một trung tâm Phật giáo lớn. Đến đầu thế kỷ XX, trên toàn khu thắng cảnh Hương Sơn đã có hơn một trăm nóc chùa, trong đó có những ngôi chùa quy mô lớn, được tạo tác tinh xảo như chùa Tam Bảo, nhà Tổ ở chùa Thiên Trù…

Danh Thắng Hương Sơn - Bầu Trời Cảnh Bụt

Danh Thắng Hương Sơn – Bầu Trời Cảnh Bụt

Hương Sơn đã trở thành một kỳ quan của đất nước. Nơi đây, tạo hóa thực khéo đặt bày. Những dãy núi gồ ghề nằm xen giữa các dòng suối trong vắt mềm mại uốn lượn. Màu sắc xám đanh, già dặn, dãi dầu của đá tiệp cùng màu xanh non tơ, nõn nà, mơn mởn của cây cỏ lá hoa. Dòng suối Yến dài chừng 3km, khúc thẳng tiếp khúc quanh, uốn lượn giữa không gian tĩnh lặng của mây trời non nước, tưởng như dài đến vô cùng. Nơi đây, những ngọn núi cũng có dáng hình kỳ thú. Này đây hai con rồng đá tranh hòn Ngọc Ốc ở cánh đồng Đục Khê. Kia là bốn ngọn núi nổi trên cánh đồng nước bên đền Trình mang dáng hình Rồng, Sư tử, Rùa và Phượng linh thiêng trong tâm thức người Việt. Bên trái suối Yến là một đụn thóc lớn (núi Đụn), một con Kỳ Lân (núi Lân, còn gọi là núi Soi), một con Phượng Hoàng dang rộng đôi cánh khổng lồ (núi Phượng và núi Ái), một con trăn lớn đang bò trên mặt nước (núi Đổi Chèo), một con voi lớn (núi Voi) và một mâm xôi đầy (núi Mâm Xôi). Phía bên phải dòng Yến là núi Ngũ Nhạc, núi Dẹo, núi Phòng Sư, hang Sơn Thủy Hữu Tình, hang Trâu, cầu Hội, thung Dâu… liên tiếp kéo dài đến tận rùng Vài và núi Nha Lang Lõa Tác. Hương Sơn hấp dẫn không chỉ bởi vẻ đẹp hùng tráng, kỳ thú của núi non, mà còn mang một vẻ sâu lắng, giàu triết lý dân gian. Ngồi trên một chiếc thuyền nan, thong thả trôi theo dòng Yến, chiêm ngưỡng bầu trời, cảnh bụt, khoan khoái nhìn sông ngắm núi, thu vào tầm mắt một góc non sông đất nước vừa thơ, vừa thực như chợt lạc vào cõi tiên cảnh bồng lai. Rời thuyền lên bộ, cây gậy nắm chắc trong tay, trải nghiệm thú vui leo núi, men theo con đường xuyên núi lấm tấm hoa dại, thoang thoảng hương lan, chợt ngỡ ngàng trước một dáng cây lạ, thoảng nghe tiếng chim rừng, uống một bát chè lão mai, nhấm nháp một quả mơ đặc sản Hương sơn, ngỡ như đang rời thoát thực tại để tận hưởng cho thật tròn đầy vẻ đẹp cùa thiên nhiên mến yêu.

Động Hương Tích, Khu danh thắng Hương Sơn

Động Hương Tích, Khu danh thắng Hương Sơn

Hang động ở Hương Sơn là một yếu tố quan trọng, có tính cách đặc thù cấu thành nên quần thể danh thắng Hương Sơn nổi tiếng. Ven suối Yến có hang Sơn Thuỷ Hữu Tình, hang Long Vân, hang Cá. Trên núi có hang Hồng Sơn, hang Sũng Sàm, hang Trú Quân, có động Tiên, động Tuyết Sơn, động Hương Tích… Ở Hương Sơn, chùa thường đi liền với hang, nên đúng ra phải gọi tên các chùa là “chùa hang”, như chùa hang Tuyết Sơn, chùa hang Cá, chùa hang Cây Khế, chùa hang Hinh Bồng, chùa hang Tiên, chùa hang Giải Oan… Trong tất cả các hang động, nổi bật hơn cả là động hương Tích và động Tuyết Sơn. Đi thăm chùa Hương mà chưa vào động Hương Tích thì coi như chưa tới chùa Hương. Theo quan niệm phong thủy, động Hương Tích được ví như miệng con rồng. Trong động Hương Tích, những giọt nước từ trên núi đá vôi thánh thót rơi xuống qua hàng triệu năm đã tạo thành những nhũ đá có hình dáng kỳ thú. Năm Canh Dần (1770), Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm đi tuần thú qua vùng Hương Sơn, sau lên thăm động Hương Tích đã đích thân đặt bứt viết rồi cho khắc ở đây 5 chữ “Nam Thiên đệ nhất động” (động đẹp nhất trời Nam). Bước chân vào trong động, lặng ngắm vẻ đẹp lạ thường của những nhũ đá, khó có ai lại không trầm trồ trước những công trình điêu khắc tuyệt tác cùa thiên nhiên. Này những nhũ đá khôi to, những nhũ đá khối nhỏ, có cái đẹp ở sự kỳ vĩ của toàn khối, có cái đẹp ở dáng dấp tinh vi, cái thì buông rủ từ trên trần động xuống, cái mọc trồi từ dưới đất lên… Tùy theo hình dáng cụ thể, các nhũ đá được đặt những tên gọi rất trần thể, gần gũi, thể hiện những mơ ước của con người. Trước hết là “Đụn Gạo” đồ sộ ở ngay cửa động, dưới chân có một hõm đá nhỏ xíu gọi là “Cối Giã”. Gần “Đụn Gạo” là “Núi Cô” và “Núi Cậu” có hình dáng em bé nằm nghiêng, nằm sấp hoặc đang bò lổm ngổm, đầu nhẵn thín. “Núi Cậu’’ nằm ngang tầm với “Sữa Mẹ” quanh năm suốt tháng rỏ giọt không ngừng. Cùng một hàng dọc với “Núi Cô”, “Núi Cậu” và lui vào phía trong là “Cây Bạc”, “Cây Vàng” chất chứa ngồn ngộn những hình tròn nhu những đồng tiền vàng, đồng tiền bạc lấp lánh. Tiến vào phía trong góc động, ở gần tận cùng là ‘‘Chuồng Lợn”, “Ao Bèo”, “Nong Tằm”, “Né Kén”… Trên trần động, thạch nhũ nhô ra thành hình chín đầu rồng sinh động gọi là tòa Cửu Long.

Động Tuyết Sơn, Quần thể danh thắng Hương Sơn

Động Tuyết Sơn, Quần thể danh thắng Hương Sơn

Sau động Hương Tích là động Tuyết Sơn. Từ thế kỷ XIX, Phan Huy Chú đã từng giới thiệu thắng cảnh này trong sách Lịch triều hiến chương loại chí: “Tuyết Sơn ở huyện Hoài An có nhiều lớp núi cao, trên núi có động rất đẹp. Trong động có nhũ đá nhủ xuống, trùng trập hiện ra, coi như vảy rồng. Trên ngọn núi có tượng Phật bằng đá, lại có những cây thông mọc từng hàng, coi như một dãy tán. Cảnh trí xanh tốt âm u” . Chỗ nhũ đá như vảy rồng được gọi tên là động Ngọc Long. Chúa Trịnh Sâm từng thăm thú nơi này, cảm tác đề hai bài thơ hiện còn được khắc ở cửa động. Chùa Tuyết Sơn nằm trong động Tuyết Sơn được Quận phu nhân Hoàng Ngọc Hương tổ chức xây dựng vào năm Giáp Tuất (1694), trên tấm văn bia có niên đại Chính Hoà 24 (1704) hiện được lưu giữ ở chùa Tuyết Sơn còn ghi lại việc này. Trong quần thể danh thắng Hương Sơn, điểm xuyết bên cạnh các cảnh đẹp thiên tạo là một loạt các công trình kiến trúc nhân tạo độc đáo, như chùa Hương, chùa Long Vân, chùa Thiên Trù, chùa Tuyết Sơn… Chùa Hương được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII, nằm trong động Hương Tích. Trong chùa có một pho tượng Phật Quan Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn được coi là đặc biệt có giá trị về nghệ thuật điêu khắc. Pho tượng bằng đá nguyên khối, có dáng người thon thon, gương mặt trái xoan, nét thanh tú, đầu đội mũ Tì Lư (tức mũ Bồ Tát) nhưng lại búi tóc và có tóc mai, sau lưng có hai món tóc buông xuống. Tượng ngồi ở tư thế đặc biệt, tay phải cầm viên ngọc minh châu, chân trái duỗi, đặt trên một bông sen nở, chân phải co, dưới chân cũng có một bông sen. Theo bài ký khắc trên đá vào năm 1806, pho tượng này được tạc năm 1793. Chùa Long Vân nằm trên sườn núi, một nửa lấp sau núi Ân Sơn, một nửa lộ ra giữa rừng cây xanh biếc, mây trắng quấn quýt quanh năm.

Chùa Thiên Trù, Hương Sơn

Chùa Thiên Trù, Hương Sơn

Chùa Thiên Trù còn có tên là chùa Trò, chùa Ngoài hay Bếp Trời. Chùa vốn chỉ là một thảo am nhỏ, nằm gần bển Trò trên dòng suối Yến. Đến năm 1686, ngài Trần Đạo Viên đứng ra xây dựng thành chùa. Tiếp sau đó, chùa được trùng tu nhiều lần, phát triển thành một ngôi đại già lam. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), chùa Thiên Trù bị phá hủy khá nhiều. Dấu tích xưa hiện chỉ còn lại bia đá, tháp Thiên Thủy và tháp Viên Công – những công trình nghệ thuật đất nung thế kỷ XVII. Năm 1954, chùa Thiên Trù được phục dựng và liên tục được trùng tu cho đến năm 1989 thì hoàn thành và có diện mạo như hiện nay. Tiếp đó, năm 1994, công trình “Nam Thiên môn” được xây dựng theo nguyên mẫu được hoàn thành càng góp phần mang lại cho cành quan nơi đây vẻ uy nghi và huyền bí. Bên phải chùa là vườn tháp, nơi cất giữ Xá Lợi của các vị Tổ sư đã mất. Phía sau chùa, bên sườn núi có tòa “Thiên thủy tháp” – một mỏm đá mọc ngược, nhìn từ xa như cây bút hồng ngọn vút cao lên trời; ở bên trái có chiếc hồ hình bán nguyệt giữa lưng chừng núi, như viên ngọc sáng giữa trời xanh.

Khung cảnh yên bình của Chùa Tuyết Sơn, tại khu danh thắng Hương Sơn

Khung cảnh yên bình của Chùa Tuyết Sơn, tại khu danh thắng Hương Sơn

Chùa Tuyết Sơn được coi là thắng cảnh đẹp thứ hai ở Hương Sơn, chỉ xếp sau động Hương Tích. Dòng suối Tuyết nho nhỏ, bốn mùa nước trong xanh, uốn quanh như con rồng đang lượn sâu vào trong dãy núi cao chất ngất. Đen Trình, chùa Bảo Đài nằm bên dòng suối thơ mộng, cảnh tượng phong quang, u tịch, đượm mùi Thiền vẻ Phật. Động Ngọc Long không rộng nhưng có nét đẹp độc đáo, hài hòa. Trong động, giữa ánh sáng mờ ảo, nhũ đá, măng đá trông như những ổ rồng quấn quýt. Nổi bật nhất là pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tạc liền vào vách đá, vẻ mặt từ bi, nhân hậu.

Chùa Tiên Sơn

Chùa Tiên Sơn

Chùa Tiên Sơn là một ngôi chùa nhỏ, được xây dụng trong động đá giữa lòng một quả núi. Ẩn tượng đầu tiên khi đến chùa Tiên Sơn là chiếc cổng tam quan cao vút như sắp bay lên các tầng mây. Chùa Tiên Sơn mang vẻ đẹp hài hòa trong từng đường nét, với những công trình nghệ thuật chạm khắc tinh xảo của các bậc nghệ nhân. Trong động có những nhũ đá đặc biệt, khi gõ vào thì phát ra tiếng tiêu thiều nhã nhạc du dương, trầm bổng. Ngoài ra, trong chùa còn có bốn pho tượng bằng hồng thạch đặc biệt quý giá. Chùa Giải Oan do sư tổ đời thứ hai có pháp danh là Cương Trực khai sáng. Lúc đầu, chùa chỉ là một thảo am nhỏ bằng tre gỗ đơn sơ, dùng làm nơi thờ phụng Quan Thế Âm Bồ Tát. Hiện nay, am Từ Vần vẫn còn lưu giữ những pho tượng Quan Âm được đúc từ thế kỷ XVIII. Trong chùa có giếng nước trong vắt, không bao giờ cạn gọi là “Thiên nhiên thanh trì” (còn gọi là giếng Long Tuyền hay giếng Thanh Trì). Tương truyền, đây chính là nơi Đức Chúa Ba đã tắm để tẩy sạch bụi trần trước khi đi vào cõi Phật. Từ đó đến nay, ai đến chốn này cũng muốn múc một gầu nước từ giếng này để uống với lòng mong cầu được giải thoát khỏi mọi nỗi oan ức trên đời. Ngoài ra, quần thể danh thắng Hương Sơn còn có am Phật Tích, động Tuyết Kinh, núi Chấn Song và đền Cửa Võng… Tất cả được phối hợp một cách hài hòa, mang lại cho khung cảnh nơi đây đượm vẻ tôn nghiêm huyền bí. Hương Sơn không chỉ là một thắng cảnh, mà còn lưu giũ dấu tích văn hoá của nhiều giai đoạn lịch sử, kết tinh tài năng trí tuệ, tâm tư tình cảm của bao đời người dân đất Việt. Cho tới nay, không kể những tầng văn hoá mang truyền thống đá cuội gạch nối văn hoá Hoà Bình và văn hoá Bắc Sơn được phát hiện ở hang Sũng Sàm có niên đại hơn 10.000 năm, cổ vật có niên đại sớm nhất ở Hương Sơn là quả chuông đồng có tên là “Bảo Đài Hương Tích Sơn hồng chung” được đúc năm Thịnh Đức thứ 3 (1655). Hệ thống cổ vật bằng đá ở Hương Sơn đặc biệt phong phú. Điển hình là các loại bia đá, gồm bia dẹt, bia trụ, bia ma nhai… mang nhiều niên đại khác nhau liên tục từ thế kỷ XVII. Bệ đá đặt trước điện thờ Phật ở động Hương Tích thuộc loại hình nghệ thuật thời Lê – Trịnh, chạm nổi hỉnh người phỗng ở tư thế ngồi đóng khố để trần, đầu và hai tay nâng phần trên của bệ Phật. Kiến trúc cổ nhất được xác định là toà “Viên Công Bảo Tháp” ở vườn tháp chùa Thiên Trù, được dựng từ thế kỷ XVII. Nhìn từ xa, tháp như một cây bút hồng hướng ngọn vút lên trời xanh. Tháp được chia làm 4 tầng, tầng thứ 2 và tầng thứ 3 có mái đón, bốn đầu đao ở bốn góc vươn cong lên trời, trên cùng của bút tháp là hình hoa cách điệu.

Cảnh đẹp chùa Hương là nguồn cảm hứng dồi dào khơi gợi mạch nguồn thi ca Việt Nam tạo ra nhiều tác phẩm sáng giá. Trong đó, bài hát nói Hương Sơn phong cảnh ca cùa Chu Mạnh Trinh được sáng tác từ thế kỷ XIX là nổi tiếng nhất, được ca ngợi nhất từ xưa đến nay: Bầu trời cảnh bụt Thú Hương Sơn ao ước bay lâu nay Kìa non non, nước nước, mây mây “Đệ nhất động” hỏi rằng đây có phải! Thỏ thẻ rừng mai chim củng trái Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh… … Nhác trỏng lên ai khéo vẽ hình Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây?… Trước Chu Mạnh Trinh, dân gian truyền tụng rằng nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã làm bài thơ vịnh động Hương Tích với một vần “òm/om” hết sức lạ lùng: Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm Nứt ra một lo hom hòm hom Người quen cõi Phật quen chân xọc Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm Giọt nước hữu tình rơi thánh thót Con thuyền vô trạo củi lom khom Lâm tuyển quyến cà phồn hoa lại Rõ khéo Trời già đến dở dom. Hương Sơn trong thi ca Việt Nam còn được biết đến với bài thơ Chùa Hương của thi sĩ tài danh Nguyễn Nhược Pháp: Hôm qua đi chùa hương Hoa cỏ mờ hơi sương Cùng thầy me em dậy Em vấn đầu soi gương …Réo rắt suối đưa quanh Ven bờ ngọn núi xanh Nhịp cầu xa nho nhỏ Cảnh đẹp gần như tranh Sau núi oản-gà-xôi Bao nhiêu là khi ngồi Đến núi con voi phục Thấy đủ cả đầu đuôi Chùa lấp sau rừng cây (Thuyền ta đi một ngày) Lên cửa chùa em thay Hơn một trăm ăn mày… Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu rất mến cảnh chùa Hương. Ông làm nhiều câu thơ rất đặc sắc về cảnh và tình nơi đây: Chùa Hương trời điểm lại trời tô Một bức tranh tình trài mấy thu Xuân lại xuân đi không dấu vết Ai về ai nhớ vẫn thơm tho. Và: Muốn ăn rau sắng chùa Hương, Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa Mình đi, ta ờ lại nhà, Cái dưa thì khú cái cà thì thâm. Đến với danh thắng Hương Sơn là tham dự vào cuộc tiếp xúc diệu kỳ giữa con người với vẻ đẹp lung linh của sông nước, bao la của đất trời, sâu lắng cùa núi rừng, huyền bí của hang động, ngời sáng của toà tháp và vẻ đẹp của cỏ cây lá hoa biến đổi không ngừng. Đen với chùa Hương là dịp để tìm về cội nguồn của tư duy, trỗi dậy những nồ lực gặp gỡ bóng dáng tổ tiên một thời đã qua. Đến với lễ hội chùa Hương là cuộc hội ngộ của con người và con người với niềm mơ ước về một thế giới bình đẳng, chan hoà tình thân ái. Có thể bạn đang quan tâm tới thông tin về du lịch Hà Nội hay khách sạn Hà Nội?

Leave a Reply