Hạn Khuống – Nơi Lưu Giữ Giá Trị Văn Hóa Đồng Bào Thái

Nghĩa Lộ là miền đất giàu văn hóa, là vùng đất của những lễ hội, là cái nôi tạo nên một nét văn hóa riêng biệt và đậm đà bản sắc tộc người Thái.

Mỗi lễ hội là một kho tàng tri thức văn hóa dân gian được lưu truyền qua rất nhiều thế hệ, là nơi mà những điểm đặc trưng văn hóa của vùng, của dân tộc được thể hiện lên rõ nét nhất. Và tại Mường Lò – Nghĩa Lộ, Yên Bái, nét sinh hoạt Hạn Khuống là một lễ hội độc đáo, thể hiện lên loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của người Thái, lễ hội này mang nhiều ý nghĩa tinh thần và nhân văn sâu sắc.

Hạn Khuống

Theo tiếng Thái, “Hạn” có nghĩa là tre, nứa và “Khuống” là sân, đất trong bản. Hạn Khuống có nghĩa là một cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân đất ngoài trời. “Hạn Khuống” còn gọi là Sàn hoa Hạn Khuống – sân chơi dành riêng cho những chàng trai cô gái chưa có gia đình.

Sàn được làm bằng những cây tre to ghép lại, dài khoảng 6 mét, rộng 4 mét và cao khoảng hơn 1 mét, mặt sàn có diện tích từ 16 – 24m2, xung quanh có những chấn song đan hình mắt cáo, có một cửa ra vào, lên xuống bằng cầu thang và có từ 3 đến 5 bậc.
Ở giữa sàn có một bếp lửa, cạnh bếp lửa người ta dựng cây vũ trụ, tiếng Thái gọi là cây “Lắc xay”. Cây này giống như cây nêu ngày tết, trên ngọn để nguyên chùm lá treo những hình con ve, chim, hoa quả, xúc xích được đan bằng lạt xanh, đỏ trông rất rực rỡ. Sàn phải được làm thật chắc bởi trên sàn còn đủ thứ đồ cho trai làng, gái bản trổ tài khéo tay như: vòng quay, kéo sợi, đan lát, thêu thùa…

Hạn Khuống

Số lượng trai gái tham gia Hạn Khuống không giới hạn, thường thì có khoảng từ 5 – 10 đôi. Các cô gái Thái duyên dáng trong trang phục váy áo cỏm truyền thống, vấn tóc đẹp, đội khăn piêu. Còn các chàng trai tay cầm khèn Cái Pí để đệm cho những câu khắp tình tứ lúc giao duyên.

Mỗi mùa xuân về, Hạn Khuống lại được tổ chức cho cả cộng đồng cùng tham gia nhằm thảo mãn nhu cầu tinh thần của đồng bào, gây dựng lên sự đoàn kết, gắn bó tạo nên một cộng đồng sống vững bền.

Hạn Khuống

Trong buổi sinh hoạt, nhóm các cô gái lên sàn rồi rút thang, sau đó cô “Tổn Khuống” được ví như cô trưởng nhóm, bắt đầu nhóm lửa rồi đặt chiếc sa quay sợi, lưng dựa vào cây “Lắc say” chính giữa sàn ngồi quay sợi, các cô khác chia nhau ngồi cạnh để kéo sợi hay thêu thùa, may vá… Ngọn lửa “Hạn Khuống” cháy sáng rực cả một góc bản làm cây “Lắc xay” càng thêm lung linh nhiều màu sắc. Họ cứ hát như vậy cho đến khi người con trai khẳng định rằng mình chưa có vợ và chiếm được lòng tin cho người con gái thì người con gái mới thả thang cho người con trai lên sàn Hạn Khuống. Khi được lên sàn, các chàng trai bắt đầu tìm đến cô gái mình thích và mong muốn được kết duyên. Họ hát đối đáp với nhau bày tỏ tình cảm. Tuy nhiên, chàng trai muốn làm một điều gì thì đều phải hát khắp xin được sự cho phép của cô gái. Hạn Khuống được tổ chức hàng năm trong lễ hội Rằm tháng Giêng ở thị xã Nghĩa Lộ, đã có nhiều đôi trai gái nên vợ nên chồng nhờ tham gia sàn Hạn Khuống.

Hạn Khuông là một nét văn hóa vô cùng đặc sắc và có ý nghĩa về văn hóa, là nét bản sắc của tộc người Thái. Tại Hạn Khuống, vẻ đẹp tâm hồn của các chàng trai cô gái Thái được thể hiện, được trân trọng. Những chàng trai cô gái ấy không chỉ đang đi tìm cho mình những giá trị đích thực mà còn đang giới thiệu cho du khách về những nét đặc sắc, đặc trưng của người Thái đen vùng Nghĩa Lộ: múa xòe, ném còn, đánh quay, tó mắc lẹ,… . Tới đây, địa phương đang nghiên cứu và thiết lập hồ sơ khoa học đệ trình lên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian Hạn Khuống là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Leave a Reply