Tới Thăm Thánh Địa Phật Giáo Mahabodhi tại Bodh Gaya, Ấn Độ

Đền Mahabodhi là một đền thờ Phật giáo ở Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đạt được Bồ đề. Bodh Gaya nằm cách Patna thuộc bang Bihar, Ấn Độ 96km. Bên cạnh ngôi đền, phía Tây là cây Bồ đề linh thiêng. Bên ngoài cổng phía Bắc của cây Bồ đề có ngôi chùa tên Mahabodhi.

Đền Mahabodhi, tại Bodh Gaya, Ấn Độ

Đền Mahabodhi, tại Bodh Gaya, Ấn Độ

Đầu tiên do Vua nước Tăng Già La kiến tạo. Trong vườn có sáu chùa viện đều có ba tầng, chu vi rất rộng và cao ba bốn thước. Những người thợ tài nghệ dùng những nét đan thanh để trang sức cho đến tượng Phật cũng bằng vàng, bằng bạc và những đồ trang sức bằng trân bảo treo lên trên tất cả các Bảo tháp rất đẹp. Ở giữa có thờ Xá Lợi của đức Như Lai. Những cốt Xá Lợi này lớn như lóng tay, ánh sáng trắng trong chiếu từ trong ra ngoài và nhục Xá Lợi của Phật như châu bảo quý, ánh sắc hồng.

Bodh Gaya được xem là đệ nhất thánh tích Phật giáo, đồng thời cũng là trung tâm Phật giáo lớn nhất ở Ấn Độ. Hàng năm, tín đồ Phật giáo trong nước và khắp thế giới lũ lượt hành hương về đây để chiêm ngưỡng cây Bồ đề nơi Đức Phật ngồi thiền định, đông nhất là vào các ngày lễ truyền thống của Phật giáo.

Tâm điểm thu hút khách hành hương ở Bodh Gaya là đền Mahabodhi (tháp Đại Giác), xây bên cạnh cây Bồ đa Đền cao 52m, bốn mặt tháp được chạm trổ rất tinh vi. Ngôi đền đã nhiều lần bị phá hoại trong lịch sử. Vào thê kỷ thứ 3 TCN, vua Ashoka (A Dục Vương) đã cho xây một đền thờ phật tại đây. Đến thế kỷ 7, các quốc vương triều đại Pala ở xứ Bengal xây lại với quy mô lớn hơn. Vào thế kỷ 12, ngôi đền bị phá huy. Đến thế kỷ 14, các quốc vương Miến Điện khi kéo quân vào đây đã khôi phục lại ngôi đền. Những thế kỷ sau, đền Mahabodhi hứng chịu nhiều trận lụt lớn và bị chôn vùi dưới lớp bùn phù sa. Mãi đến giữa thế kỷ 19, nhà khảo cổ học người Anh là Alexander Cunningham mới đứng ra chỉ đạo công cuộc khai quật và trùng tu lại đền Mahabodhi như hiện nay. ở đây có một tảng đá to hình tròn đặt phía bên trái sân, trên mặt đá có hai dấu chân rất to của Đức Phật. Bước vào đền, mọi người đều xếp hàng để làm lễ bái yết trước tượng Phật Thích Ca mạ vàng đặt nơi chính điện. Tượng cao 2m, đặt trên một bệ đá cao 6m, với nét mặt thanh thản và một ngón tay chỉ xuống đất, mặt hướng về phía Đông, giông y tư thế Người ngồi dưới gốc cây Bồ đề năm xưa.

Cây bồ đề phía bên ngoài đền Mahabodhi

Cây bồ đề phía bên ngoài đền Mahabodhi

Ra khỏi đền, du khách sẽ thấy cây Bồ đề linh thiêng nằm cạnh đền. Cây Bồ đề cành lá xanh tươi dưới ánh nắng ban mai, được bao bọc bởi một vòng tường thấp bằng đá. Dưới bóng cây là một phiến đá sa thạch đỏ, có tên là Vajrasana ngồi thiền và đắc đạo. Trong sách Đại Đường Tây Vực ký, nhà sư Huyền Trang (tức Tam Tạng, thế kỷ thứ 7) đã mô tả phiến đá này như sau: “Kim cương toà là nơi Đức Phật đạt đến đỉnh cao giác ngộ. Khi cả mặt đất rung chuyển, chỉ có chỗ này là yên tĩnh bất động”. Theo truyền thuyết thì cây Bồ đề này mọc lên đúng vào ngày thái tử Sidharta ra dời, cây Bồ đề đã nhiều lần bị chặt phá và mọc lại. Cây Bồ đề hiện nay được chiết ra trồng từ cây Bồ đề ở Srilanka vốn là một nhánh của cây nguyên thuỷ được đưa sang trồng ở Srilanka từ thế kỷ thứ 3 TCN.

Bodh Gaya ngày nay còn được ví von là “Liên hiệp quốc Phật tự” vì nơi đây tập trung rất nhiều ngôi chùa của các nước và lãnh thổ: Butan, Nepal, Myanmar, Srilanka, Đài Loan, Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam. Mỗi ngôi chùa đều có kiến trúc độc đáo riêng, theo truyền thống Phật giáo của từng nơi. Đặc biệt chùa Nhật Bản có một pho tượng bằng đá trắng cao hơn 20m, hai bên là hai dãy tượng các vị đại đệ tử của Đức Phật có kích thước bằng người thật.

Leave a Reply